Cơ sở sản xuất bánh tráng dừa cao cấp

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Định danh bánh tráng dừa Tam Quan ( Cơ sở Ba Quan )

“Định danh” bánh tráng nước dừa Tam Quan và nón ngựa Phú Gia
Thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), đến thời điểm này hồ sơ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bánh tráng nước dừa Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) và nón ngựa Phú Gia (huyện Phù Cát) đã hợp lệ. Đây là cơ hội để tỉnh ta tiếp tục “định danh” những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, giúp nâng cao giá trị và tăng lợi thế cạnh tranh.
Khẳng định “thương hiệu”
Nón ngựa Phú Gia là một trong những sản phẩm thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của Bình Định, với tuổi đời đã mấy trăm năm. Làng nghề làm nón ngựa ở thôn Phú Gia (xã Cát Tường) là một trong 5 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh quy hoạch gắn với phục vụ phát triển du lịch. Toàn thôn hiện có hơn 70 hộ làm nghề nón ngựa.
Bánh tráng nước dừa Tam Quan được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận để sử dụng rộng rãi cho các hộ sản xuất trong huyện.
- Trong ảnh: Sản phẩm bánh tráng nước dừa Tam Quan do cơ sở Ba Quan sản xuất.    
Nón ngựa hiện nay đã trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo bởi sự cầu kỳ, tỉ mẩn và tài hoa trong từng đường nét. Những người gắn bó với nghề nón ở đây “bật mí”, để chiếc nón trường tồn cùng thời gian nằm ở chỗ các nguyên vật liệu làm nón, từ giang, rễ dứa rừng đến lá kè mỡ đều được lấy đúng mùa. Và, để làm ra một chiếc nón đẹp, chất lượng, phải trải qua ít nhất 10 công đoạn chính và phải hoàn toàn thao tác bằng thủ công. Trung bình mỗi hộ sản xuất thành phẩm 40-45 chiếc/tháng, thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phù Cát, cho biết nón ngựa Phú Gia là sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương, được thị trường tiêu thụ mạnh và đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại. Hầu hết các hộ làm nghề chưa có một tiêu chuẩn sản xuất bắt buộc, cũng chưa có hộ nào đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hay đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm, nên việc xây dựng nhãn hiệu là rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ sở sản xuất và kinh doanh mặt hàng này.
Trong khi đó, xứ dừa Hoài Nhơn tạo nên thương hiệu “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” nổi tiếng và “phủ sóng” khắp trong Nam ngoài Bắc. Tại địa bàn này hiện có khoảng 120 hộ dân ở các xã, thị trấn: Tam Quan, Tam Quan Nam, Hoài Hảo, Hoài Châu Bắc, Hoài Tân và Hoài Xuân sản xuất bánh tráng nước dừa.
Không chỉ tiêu thụ trên thị trường, bánh tráng nước dừa Tam Quan còn “tiếp thị” ở các sự kiện lớn như Festival Huế, Festival Tây Sơn - Bình Định. Ông Nguyễn Tiến Dũng - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng dừa Ba Quan (ở thôn Phụng Du 2, xã Hoài Hảo) - chia sẻ: “Cách làm bánh tráng nước dừa cũng khá đơn giản, nhưng khác với các loại bánh tráng ở các vùng miền khác, bánh tráng nước dừa Tam Quan có kích thước to hơn hẳn và được tráng thành lớp dày. Vì thế, khi nướng bánh đòi hỏi phải lật đều, nướng kỹ và nướng bằng lửa than thì bánh mới ngon, giòn đều”.
Nâng tầm bằng nhãn hiệu
Nổi tiếng là thế nhưng các hộ sản xuất bánh tráng nước dừa Tam Quan và nón ngựa Phú Gia đều bán sản phẩm không có nhãn mác, gây khó khăn cho việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của chính họ và khách hàng. Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” và “Nón ngựa Phú Gia”, UBND tỉnh giao Trung tâm Hỗ trợ Phát triển CNTT tỉnh (thuộc Sở KH&CN) thực hiện “Dự án KH&CN hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định năm 2014”. Mục tiêu đặt ra là hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nâng cao năng suất - chất lượng và quản lý phát triển thương hiệu ra thị trường. Thực hiện dự án, Trung tâm đã xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho 2 sản phẩm ở địa phương; đồng thời, xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản nhằm phục vụ việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” và “Nón ngựa Phú Gia”.
Đăng ký thương hiệu là việc quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là cách tổ chức quản lý và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Tiếp tục hỗ trợ cho chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm nói trên, trong 2 ngày 12 và 15.5 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển CNTT tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn và Phù Cát tổ chức các hội thảo góp ý xây dựng hệ thống tài liệu phục vụ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ sau khi sản phẩm được bảo hộ.
UBND các huyện Hoài Nhơn và Phù Cát đã triển khai mô hình hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Bánh tráng nước dừa Tam Quan” và “Nón ngựa Phú Gia” đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn. Hệ thống quản lý cho phép kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời, có cơ chế phát hiện những sản phẩm “mượn danh” làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Thái Hoàng Uẩn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển CNTT tỉnh, khẳng định: Nhãn hiệu hàng hóa không những giúp phát triển thị trường tiêu thụ và góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà còn khuyến khích các hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất. Thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, bắt đầu hình thành một phương thức sản xuất gắn liền với việc giữ gìn “hình ảnh” sản phẩm.