Cơ sở sản xuất bánh tráng dừa cao cấp

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Ngô Mây – người anh hùng đánh bom cảm tử

Ngô Mây – người anh hùng đánh bom cảm tử – là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, đặc biệt đối với người dân Bình Định. Ngô Mây sinh năm 1924, quê ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Nhà nghèo, cha mất sớm, năm 1945 Ngô Mây cùng tham gia cướp chính quyền ở huyện lỵ. 

 

Anh Hùng Ngô Mây

 


Tháng 7-1947, Ngô Mây từ biệt mẹ già nhập ngũ. Anh xung phong vào Tiểu đoàn 120, Đại đoàn 305. Ngô Mây hy sinh năm 1947. Tên của anh đã được đặt cho nhiều địa danh: Thị trấn Ngô Mây (Phù cát), phường Ngô Mây, đường Ngô Mây, trường THCS Ngô Mây (TP. Quy Nhơn)…
Tư liệu sau đây của Văn Phong (Báo SGGP) cho ta biết thêm người anh hùng bất tử ấy có một chân dung bình dị rất đời thường và có một tình yêu da diết…
Qua lời kể của đại tá Trần Tiến Lưu (nguyên chính trị viên tiểu đoàn), đại tá Nguyễn Tùng Vân (nguyên Trung đội trưởng Tiểu đoàn 50, hiện nghỉ hưu ở phường 9 – Đà Lạt), đại tá Quách Tử Hấp (nguyên đại đội trưởng) và một số đồng chí khác cùng đơn vị với anh Ngô Mây giúp chúng ta hiểu thêm về người anh hùng.
Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến thần thánh chống quân xâm lược Pháp của nhân dân cả nước bùng nổ. Ở chiến trường Liên khu 5, các trung đoàn chủ lực của quân đội ta ra đời. Giặc Pháp có vũ khí hiện đại, quân đội ta vũ khí còn thô sơ đòi hỏi phải có ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí dũng cảm và trên hết phải có tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết dinh”.
Đại đội quyết tử của Tiểu đoàn 50, trung đoàn 94 (sau đổi thành Trung đoàn 108 – Anh hùng LLVTND) được thành lập trong bối cảnh đó. Việc tuyển chọn rất kỹ lưỡng, đặc biệt là ý chí quyết tử dù thanh niên ta thời đó không ai nao núng – sẵn sàng nhập ngũ. Đại hội tuyển được 160 chiến sĩ, trang bị 12 súng trường, 1 trung liên FM, còn lại là mã tấu, lựu đạn, chai xăng, mìn ba càng và 5 quả bom (mỗi quả 25kg). Sau một thời gian ngắn học tập chính trị, quân sự, mọi người đều khắc sâu hai chữ “quyết tử”. Đêm nào đơn vị cũng sinh hoạt tập thể, bộ đội vừa hát vừa vỗ tay vang dội xóm làng.
Từ khi về đại đội quyết tử, Ngô Mây xung phong nhận một quả bom. Sau một ngày luyện tập lăn lê, bò toài mệt nhoài, tối đến anh vẫn dành thời gian nâng niu lau chùi quả bom chờ ngày xung trận. Đại tá Nguyễn Tùng Vân kể lại: “Anh Ngô Mây là một lực điền cao lớn, da ngăm đen, một tay chơi bóng nhà binh số một của đại đội, táo bạo và có tốc độ nhanh và anh đã được họa sĩ Văn Giác chọn mẫu vẽ Người chiến sĩ Vệ quốc khu V”.
Nhiệm vụ của đại đội Ngô Mây trong trận đánh phục kích địch ngày 24-10-1947 ở Rộc Dứa – Suối Vối trên đường quốc lộ 19 – mặt trận An Khê (đường từ Quy Nhơn đi Gia Lai) là quyết diệt cho được xe tăng, xe bọc thép của giặc Pháp từ An Khê xuống. Cả đại đội đều xung phong nhận nhiệm vụ nhưng cuối cùng, đại đội trưởng Quách Tử Hấp và chính trị viên Đoàn Xảo chỉ huy trận đánh đã chọn Ngô Mây. Có lẽ vì anh là người rất khỏe, tập tành hăng hái lại chất phác. Có một chi tiết khá thú vị nữa là vì biết Ngô Mây “ăn luôn thiếu cơm và thường xuống nhà bếp xin thêm cơm cháy nên mỗi khi đánh nhau, khi hành quân đơn vị đều ưu tiên cho Ngô Mây nắm cơm to nhất” (lời đại tá Tùng Vân).
Chiều 23-10-1947, Ngô Mây kéo anh Phạm Trĩ (tiểu đội phó) ra sau rẫy sắn, trao một khăn lụa có viền chỉ đỏ, một tấm ảnh và 3 bức thư. Mây nói, một thư nhờ anh Trĩ đưa cho mẹ, một thư gửi lại anh em trong đơn vị, và một thư có cả ảnh và chiếc khăn này nhờ anh tìm gặp đưa cho Thu Hà người vợ chưa cuối của Mây. Mây đưa ảnh cho Trĩ xem. Ảnh chụp đôi mà chỉ có một. Đó là một cô gái đôn hậu, có mái tóc dài, còn người ngồi kế bên là Ngô Mây. Nhưng Mây đã dùng tăm hương đốt cháy hình mình, chỉ còn lại một bàn tay đặt trên vai hình ảnh người bạn đời chưa cưới. “Sao lại đốt?” – Trĩ hỏi. Mây đáp: “Mong Thu Hà quên đi. Để nhớ làm gì cho tội!”.
Đêm 23, đơn vị tập kết tại xóm Ké, làm lễ xuất quân. Ngô Mây cổ quàng khăn đỏ (tất cả các chiến sĩ quyết tử lúc đó, khi xung trận đều quàng khăn đỏ) ôm chặt trái bom, đứng trước cờ nghiêm trang tuyên thệ: “Xin thề, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”. 1 giờ sáng ngày 24, đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đại bộ phận bố trí phía Đông đường 19, có nhiệm vụ nổ súng bắn chặn nhằm thu hút địch. Bộ phận phía Tây (cách đó vài trăm mét), trong đó có Ngô Mây, lợi dụng rừng rậm áp sát đường để đảm bảo tính bất ngờ. Và đúng như dự kiến, khoảng 8 giờ ngày 24-10, một đoàn 4 xe GMC chở đầy lính Âu Phi từ An Khê chạy tới. Vừa thấy cầu bị cháy (đêm 23-10, quân ta đã đốt cầu Suối Vối), tên sĩ quan chỉ huy Pháp cho xe dừng lại. Ở phía Đông đường, quân ta đồng loạt nổ súng. Bọn giặc nhảy xuống xe dùng hỏa lực phản ứng mạnh. Súng trung liên của ta bắn được hai loạt 12 viên thì bị hóc đạn, sửa được bắn tiếp một loạt nữa lại hóc, đạn cũng chỉ còn 6 viên, súng trường mỗi cây 5 viên, cũng hết đạn. Ta tạm thời rút về hướng Đông. Vừa lúc ấy có tiếng xe thiết giáp ầm ầm chạy tới. Một xe AM to lớn đen sì dừng giữa trận địa. Đoàn xe 5 chiếc cụm lại, địch đứng khá đông quanh xe bọc thép. Tất cả chúng đều tập trung chú ý về hướng ta thu quân. Tên chỉ huy đứng trên xe AM quát to: “Việt Minh đâu, Việt Minh đâu?”.
Khi xe thiết giáp giặc nằm ngay trước mặt, giờ quyết định đã đến. Mây cởi đôi dép cao su và chiếc áo may ô còn lại trong người trao cho một đồng đội. Mây nói: “Tôi gửi lại cho anh em dùng vì những thứ này tôi không cần nữa! Tôi đi đây!”. Siết mạnh tay đồng đội, từ trong bụi rậm ở phía Tây đường trước sự ngơ ngác và khiếp đảm của lũ giặc Pháp, Ngô Mây như một mũi tên, bất ngờ lao ra, ôm bom 3 càng lao thẳng vào xe bọc thép giặc. Một tiếng nổ rung trời… Bọn giặc kinh hoàng vội vã tháo chạy. Một xe bọc thép, hai xe GMC và gần một trung đội lính Âu Phi trên xe, dưới đất bị tiêu diệt. Và Ngô Mây, người anh hùng quyết tử chỉ còn lại chiếc khăn quàng đỏ nằm vắt trên ngọn một cây cao. Năm ấy Ngô Mây vừa tròn 23 tuổi.